Đó là một địa danh vô cùng đặc biệt và hấp dẫn khách du lịch tại Venezuela. Nơi con sông Catatumbo chảy vào hồ Maracaibo này vì một lý do nào đó mà mỗi ngày trôi qua có tới hàng trăm cơn bão cùng với hàng chục nghìn lần sấm chớp giật.
Hiện tượng này có thể dễ dàng thấy từ khoảng cách 400m, chính điều đó đã khiến khách du lịch hiếu kỳ đến nơi đây để tận mắt nhìn thấy sấm chớp giật liên hồi trên bầu trời. Khách du lịch có thể đến vào bất kỳ thời điểm nào trong năm, vì hiện tượng này xảy ra quanh năm. Theo thống kê thì mỗi năm có tới 1,2 triệu lần sấm chớp giật tại nơi đây.
Địa danh này còn được gọi với cái tên “Cơn bão vĩnh cửu của Venezuela” do hiện tượng bão và sấm sét xảy ra liên tục quanh năm tại nơi đây. Các nhà khoa học vẫn chưa tìm được nguyên nhân chính xác gây ra hiện tượng đặc biệt này.
Một số giả thuyết cho rằng những cơn bão liên tục xảy ra là do gió lớn thổi qua vùng hồ này mang theo hơi nước. Khi thổi lên vùng núi Andes nó tạo thành những đám mây tích tụ, kết hợp với luồng gió thổi từ phía đầm lầy mang theo khí mê-tan để tạo thành những đám mây điện tích.
Đây không chỉ là những đám mây điện tích thông thường, mà chúng là những đám mây điện tích có khả năng gây ra 28 lần sấm sét chỉ trong vòng một phút. Với lượng điện năng đủ để thắp sáng toàn bộ bóng đèn ở khu vực Mỹ LaTin trong một phút.
Tiến sĩ Daniel Cecil, đến từ nhóm nghiên cứu sấm sét của Trung tâm Khí tượng Thủy văn cho biết: “Hiện tượng này có mối liên quan chặt chẽ với địa hình đặc biệt ở nơi đây. Từ độ dốc của sườn núi, đến bờ biển uốn cong và kết hợp nhiều yếu tố tự nhiên khác tạo ra rất nhiều những điểm nóng”.
Hiện tượng đặc biệt này còn được đưa vào sách kỷ lục Guinness, như là nơi có nhiều tia sét nhất trên thế giới, tính theo số lượng các tia sét trên một cây số vuông trong thời gian là một năm.
Những người dân nơi đây cũng coi hiện tượng này như là một biểu tượng, nó cũng giống như một ngọn hải đăng soi sáng bầu trời đêm cho những người đi biển.
Một điểm đặc biệt khác nữa là các tia sét giật trên bầu trời cũng tạo ra nhiều màu sắc khác nhau. Nguyên nhân chính là do thành phần hóa học của không khí lúc đó. Nếu trời trong và không khí khô, những tia sét này sẽ thắp lên ánh sáng màu trắng.
Tuy nhiên nếu không khí ẩm ướt và có nhiều hydro, thì tia sét sẽ sáng lên với một màu đỏ rực. Đôi khi tia sét giật vào ban đêm có thể phát ra ánh sáng màu tím.
Cũng đã có lúc hiện tượng này biến mất trong một khoảng thời gian dài, đó là vào năm 2010. Lúc đó người dân địa phương rất lo lắng vì đây có thể là điềm báo cho một sự thay đổi, có thể là một đợt hạn hán kéo dài. Tuy nhiên sau 5 tuần mất tích, những cơn bão và sấm sét đã quay trở lại và khiến người dân vô cùng mừng rỡ.
Tham khảo: Dailymail
technewsno1
technewsno1
0 on: "Khám phá địa danh có 260 cơn bão mỗi ngày và hàng nghìn tia sét giật mỗi giờ"