Random Post

Bộ tứ CEO quyền lực xuất thân từ “lò luyện” Bách Khoa

 

Những kinh nghiệm và những câu chuyện khởi nghiệp của bộ tứ CEO quyền lực hé mở ra nhiều điều thú vị với những thế hệ sinh viên mới của Đại học Bách Khoa.
 
Tổng Giám đốc Tập đoàn FPT Bùi Quang Ngọc: “Chất Bách Khoa” làm nên “vũ khí quản trị”
 
Ông Bùi Quang Ngọc .
 
Với vẻ ngoài hiền lành, giản dị, thậm chí đôi khi hơi xuề xòa, ông Bùi Quang Ngọc trông giống một nhà nghiên cứu hơn là một doanh nhân, CEO của tập đoàn công nghệ hàng đầu Việt Nam. Trước khi về FPT và trở thành một trong những “công thần khai quốc” kiến tạo nên những dấu mốc lịch sử của FPT trong suốt 27 năm qua, ông Bùi Quang Ngọc đã có hơn 10 năm giảng dạy tại Khoa Toán – Tin Đại học Bách Khoa Hà Nội. Ông Ngọc có lẽ là một trong những nhà giáo – doanh nhân thành công nhất khi đang nắm trong tay 10,2 triệu cổ phiếu (3,7% cổ phần) của Tập đoàn FPT với giá trị lên đến hàng trăm tỷ đồng.
 
Ông Bùi Quang Ngọc sinh năm 1956, bằng tuổi với Đại học Bách Khoa Hà Nội. Với hơn 10 năm giảng dạy tại ngôi trường này, ông Ngọc đã “ngấm rất sâu chất Bách Khoa” và chính điều đó đã mang lại những bài học quý giá, bổ ích, giúp ông giải “bài toán quản trị” khó nhằn ở FPT. Mang những ưu điểm đặc thù của dân kỹ thuật vào quản trị, ông Ngọc yêu cầu mọi thứ phải được thực hiện một cách tỉ mỉ, chỉn chu và phải làm đến nơi đến chốn. Xuất thân là một nhà giáo, ông đặt ra những yêu cầu nghiêm khắc đối với nhân viên và điều hành tập đoàn quy mô gần 27 ngàn người bằng sự kiên định, tính quy trình, hệ thống chính xác và khoa học.
 
Tổng Giám đốc VNPT Phạm Đức Long: "Phải thay đổi và phải có khát vọng"
 
Ông Phạm Đức Long 
 
Cũng nằm trong lĩnh vực CNTT-TT, tân Tổng Giám đốc Tập đoàn VNPT Phạm Đức Long, là tấm gương sáng về sự thành công của dân kỹ thuật chuyển sang ngạch kinh doanh. Là một cựu sinh viên khoa Điện tử ĐH Bách Khoa TP.HCM, ông Long sau đó tiếp tục rèn luyện trong thực tiễn công tác và hoàn thành luận án bảo vệ tiến sĩ ngành điện tử - viễn thông tại Nhật Bản. Ông đã kinh qua nhiều vị trí tại VNPT như Giám đốc Viễn thông TP.HCM, Phó Tổng Giám đốc VNPT… trước khi chính thức trở thành vị lãnh đạo trẻ chèo chống tập đoàn viễn thông lớn này vào tháng 4/2015.
 
Bài học lớn nhất mà môi trường Bách Khoa dạy cho ông, đó chính là phải có khát vọng và không ngại thay đổi. Là tập đoàn nhà nước “nhiều năm tuổi”, VNPT vốn rất khó để hoạch định được chiến lược phù hợp bởi sự trì trệ của một bộ phận không nhỏ. Chia sẻ trong buổi lễ công bố quyết định bổ nhiệm Tổng giám đốc, ông Long cho biết: “Trong bối cảnh cạnh tranh ngày nay, muốn phát triển thì bắt buộc phải thay đổi và phải có khát vọng”.
 
Tổng Giám đốc Tập đoàn Phú Thái Phạm Đình Đoàn: Làm nghiên cứu cũng phải có “máu liều”
 
Ông Phạm Đình Đoàn.
 
Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn phân phối “Phú Thái” Phạm Đình Đoàn là cái tên được nhắc đến khá nhiều trong các giờ giảng ở Bách Khoa như một bài học thành công dành cho tuổi trẻ. Tốt nghiệp chuyên ngành Hóa – Thực Phẩm Đại học Bách Khoa năm 1987, ông được phân về Viện công nghệ Thực phẩm (Hà Nội) làm nghiên cứu viên. Thời bấy giờ, được công tác tại cơ quan nhà nước tầm cỡ như Viện Công nghệ thực phẩm là niềm vinh dự, tự hào, một cơ hội lớn mà chỉ những sinh viên xuất sắc mới có. Tuy nhiên, ông Đoàn lại quyết định chấm dứt sự nghiệp nghiên cứu, chọn cho mình một con đường đầy  thử thách là thành lập doanh nghiệp tư nhân với tham vọng tổ chức được hệ thống phân phối chuyên nghiệp nhất Việt Nam.
 
Ra đời đúng thời điểm nhà nước bắt đầu chấp nhận cơ chế thị trường và hình thành bộ phận kinh tế tư nhân doanh nghiệp của ông Đoàn gặp phải không ít khó khăn, từ hoạch định chiến lược, tìm đối tác, hoạt động truyền thông tiếp thị. Vốn rất mạnh mẽ và quyết đoán, cộng thêm với “máu liều” của người trẻ, ông Đoàn chấp nhận nguy cơ tay trắng nếu không đủ bản lĩnh chèo chống công ty. Với phong thái làm việc chuyên nghiệp, sự cẩn trọng trầm ổn của một người làm nghiên cứu, ông đã thành công đưa tên tuổi Phú Thái trở thành nhà phân phối uy tín, hợp tác với nhiều thương hiệu lớn như P&G, Nike, Philips, DutchLady…
 
Tổng Giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh: Chỉ có một tình yêu duy nhất
 
 
Ông Hoàng Việt Anh (Bên trái)
 
Gia nhập FPT năm 1993, từ khi còn là sinh viên năm 3 khoa CNTT ĐH Bách Khoa Hà Nội với vị trí lập trình viên thực tập, Tân Tổng giám đốc FPT Software Hoàng Việt Anh đã gắn bó với FPT Software hơn 20 năm qua như một mối duyên lành. Trải qua nhiều vị trí quan trọng như Giám đốc FPT Software Asia Pacific; Giám đốc Đơn vị Phần mềm Chiến lược số 1 (FSU1- đơn vị phụ trách thị trường các nước nói tiếng Anh); Phó Tổng giám đốc kiêm Giám đốc Điều hành (COO) cho đến vị trí CEO ngày hôm nay, phong cách quản trị của ông Việt Anh ảnh hưởng từ phong cách năng nổ, phóng khoáng mà cũng rất tỉ mẩn, chi tiết của các anh lập trình viên Bách Khoa.
 
Nhắc đến những quyết định thời trai trẻ của mình đã gắn mình với nghiệp phần mềm, ông Hoàng Việt Anh nghiệm ra rằng, chỉ “máu” thôi chưa đủ mà cần phải có niềm đam mê với nghề. “Đến giờ này, sau gần 20 năm gắn bó, tình yêu của tôi với FPT vẫn là đầu tiên và duy nhất. Tôi vẫn thấy còn nhiều lửa đam mê và nhiệt huyết trong công việc hiện tại”. Không chỉ tràn đầy đam mê và nhiệt huyết, vị tân Tổng giám đốc FPT Software còn nhìn thấy nhiều cơ hội cạnh tranh sòng phẳng, mang năng lực trí tuệ Việt Nam ra thế giới cho FPT Software và cho chính các bạn trẻ Việt Nam. Và đây cũng chính là nguồn năng lượng nuôi sống ngọn lửa đam mê trong anh.
 

0 on: "Bộ tứ CEO quyền lực xuất thân từ “lò luyện” Bách Khoa"